AMH thấp làm sao tăng lên? AMH có tăng được không?

Chủ đề này tuy đã cũ nhưng lại được 99% các bạn AMH thấp quan tâm. Thậm chí, nhiều bạn AMH trên 2ng/ml (không thấp) nhưng vẫn muốn tăng lên cao hơn nữa. Vậy điều này có khả thi hay không? AMH là chỉ số gì và có ý nghĩa gì? Ngày hôm nay chúng ta cùng bàn luận sâu hơn về vấn đề này.

Về lý thuyết kinh điển mà có thể các mẹ lúc nào cũng được nghe từ các bác sĩ: AMH là một chỉ số chỉ có thể giảm đi theo thời gian mà không thể tăng được, vì vậy nên xin trứng. Tuy nhiên, trong đời làm bác sĩ, thực tế sẽ có RẤT NHIỀU LÚC các bác sĩ thấy AMH của một người có sự biến đổi theo chiều hướng tăng lên, thậm chí tăng lên một cách rõ rệt dù được làm cùng một cơ sở y tế. Vậy thì nguyên nhân ở đâu? Hay chỉ đơn giản lỗi do “phòng xét nghiệm làm việc không chuẩn”?

Câu trả lời là: AMH hoàn toàn có thể tăng lên trong một chu kỳ thuận lợi của một người phụ nữ. Và chỉ số AMH là một chỉ số biến thiên – Lúc tăng – Lúc giảm chứ không hẳn chỉ là một “chỉ số luôn giảm” như người ta thường nghĩ.

Vậy, AMH là gì?

Trước tiên, Bác sỹ Cường xin khẳng định: AMH không phải là tổng dự trữ buồng trứng như bao người đang lầm tưởng (vì lầm tưởng AMH là tổng kho nên mới luôn nghĩ rằng AMH chỉ có giảm đi mà không thể nào tăng lên được). Chỉ số AMH không hề đại diện toàn “tổng kho” của buồng trứng, mà nó chỉ được tiết ra từ những nang tiền hốc và nang có hốc nhỏ mà thôi. Buồng trứng của các mẹ không chỉ có mình nang tiền hốc và nang có hốc nhỏ mà nó còn có các tế bào noãn trước đấy, mà đặc biệt là tế bào noãn nguyên thủy. Do vậy, AMH trong một chu kỳ chỉ phản ánh một lượng nang noãn nào đấy gần nhất sẽ được tham gia vào chu kỳ chiêu mộ nang noãn (gọi nhập ngũ) để có thể trở thành nang noãn thứ cấp cho chu kỳ tiếp theo mà thôi.

Vì thế, nếu quá trình thúc đẩy tạo noãn bị gián đoạn thì các “nang siêu nhỏ” này sẽ không tiếp tục phát triển để tạo ra AMH, và hệ quả là AMH của bạn tạm thời sẽ đi về tiệm cận 0 (AMH rất thấp). Khi chúng ta kích hoạt được các nang trước giai đoạn có thể tiết được AMH (tế bào nguyên thủy) thành công thì quá trình sinh noãn lại tiếp tục và AMH lại tăng.

Đấy là lý do vì sao mà nhiều bạn AMH 0.5 ng/mL sau vài tháng xét nghiệm lại thì có thể tăng lên 0.8 ng/mL, rồi thậm chí trên 1.0 ng/mL và có thai. Nhiều bạn AMH lần 1 làm 2.69 ng/mL, lần hai làm lại sau 2 tháng lại tăng lên 4.55 ng/mL (chênh lệch quá bất ngờ) cho dù được làm tại cùng một cơ sở y tế.

Nhưng cũng xin nhấn mạnh: không phải 100% các bạn AMH thấp đều tăng AMH sau điều trị. Nguyên nhân vì các bạn này đã bị tổn thương tế bào mầm nguyên thủy do bị phơi nhiễm quá dài ngày với FSH, thường gặp ở những bệnh nhân trẻ tuổi (suy buồng trứng sớm – POF), bệnh nhân bị tổn thương nặng buồng trứng do chấn thương, phẫu thuật, xạ trị, hóa trị ung thư. Những trường hợp này, tùy trường hợp cụ thể, Bác sỹ sẽ quyết định có phải xin trứng để tiến hành làm thụ tinh ống nghiệm hay không?

Tóm lại, AMH chỉ là một con số bình thường, không phải là tất cả, mọi người đừng “thần thánh hóa” nó lên mà làm mất đi cơ hội của bệnh nhân.

Vạn sự tùy duyên!

[Chờ phần 2: Làm gì để tăng AMH?]

Bác sỹ Phạm Hữu Cường

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

098.535.5555