Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản mà tinh trùng và trứng được kết hợp với nhau trong ống nghiệm thay vì trong vòi tử cung của người phụ nữ.

Nếu hiện tượng thụ tinh xảy ra, sẽ tạo thành phôi, sau 3-5 ngày phôi được chuyển vào buồng tử cung người phụ nữ. Phôi làm tổ và phát triển thành thai nhi như trong thụ thai tự nhiên. Hiện nay có hai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm chính là: IVF cổ điển và IVF/ICSI.

Thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (in vitro fertilization – IVF)

Với kỹ thuật IVF cổ điển, trứng được trộn lẫn với hàng ngàn tinh trùng trong một đĩa đặc biệt, sau đó đặt trong một tủ cấy mô phỏng các điều kiện “tự nhiên” trong cơ thể người mẹ.

Quá trình thụ tinh diễn ra trong điều kiện phòng thí nghiệm và sau khi đảm bảo thụ tinh, các phôi thai được đưa vào tử cung của người phụ nữ bằng một ống chuyển phôi đặc biệt qua cổ tử cung.

Trong kỹ thuật này, trứng và tinh trùng gặp nhau, hòa nhập một cách “tự nhiên” để hình thành phôi.

Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (intra cytoplasmic sperm injection – ICSI)

ICSI là kỹ thuật tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương của noãn để tạo phôi nhằm tăng khả năng thụ tinh giữa trứng và tinh trùng.

Nhờ ICSI phôi được tạo ra chỉ từ duy nhất 1 trứng và 1 tinh trùng, do đó kỹ thuật này có thể áp dụng cho những trường hợp thiểu năng tinh trùng nặng, tinh trùng được lấy từ mào tinh hoặc tinh hoàn, để tăng tỉ lệ thụ tinh, đảm bảo khả năng có phôi trong một chu kỳ hỗ trợ sinh sản.

Các trường hợp chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp điều trị hiếm muộn được chỉ định cho các trường hợp sau:

– Tổn thương vòi tử cung không có khả năng phục hồi do bệnh lý vùng chậu hoặc phẫu thuật trước đó.

– Lạc nội mạc tử cung

– Rối loạn phóng noãn.

– Xin trứng (trong những trường hợp có giảm chức năng buồng trứng).

– Hiếm muộn không rõ nguyên nhân, bơm tinh trùng vào buồng tử cung nhiều lần nhưng thất bại.

– Vô sinh nam: Tinh trùng ít, yếu, xuất tinh ngược hoặc không xuất tinh. Không tinh trùng trong tinh dịch (lấy tinh trùng bằng phẫu thuật mào tinh, tinh hoàn). Đứt niệu đạo sau do di chứng vỡ xương chậu.

Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

Bước 1: Kích thích buồng trứng

Người vợ sẽ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng liên tục mỗi ngày, trong khoảng 10-14 ngày. Trong thời gian này, người vợ sẽ được hẹn siêu âm và xét nghiệm máu từ 3-4 lần để theo dõi sự phát triển của các nang noãn.

Khi nang noãn đạt tới kích thước theo yêu cầu, người vợ sẽ được tiêm mũi thuốc cuối cùng để kích thích trứng trưởng thành (mũi kích rụng trứng). Mũi thuốc này cần phải tiêm đúng giờ.

Bước 2: Chọc hút trứng

Khoảng 34-36 giờ sau mũi tiêm kích rụng trứng, bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật chọc hút trứng được qua đường âm đạo. Người vợ sẽ được gây mê nên nhất thiết phải nhịn ăn uống từ 6-8 tiếng trước khi chọc hút trứng.

Thời gian chọc hút trứng chỉ từ 10-15 phút/ca. Sau chọc hút trứng, người vợ sẽ nằm theo dõi tình trạng sức khỏe tại bệnh viện. Khoảng 2-3 giờ sau nếu tình trạng sức khỏe ổn định người vợ sẽ được về nhà tự theo dõi.

Cùng thời điểm đó, người chồng sẽ được lấy tinh trùng để chuẩn bị cấy phôi hoặc được thông báo lấy mẫu tinh trùng đông lạnh (nếu đã được trữ đông trước đó).

Bước 3: Tạo phôi

Trứng và tinh trùng thu được sẽ chuyển đến phòng labo để thụ tinh và tạo phôi. Phôi sẽ được nuôi cấy từ 3-5 ngày.

Để chuẩn bị cho quá trình chuyển phôi, trong thời gian này, người vợ sẽ được dùng thuốc đường uống và đặt âm đạọ. Nếu phôi được chuyển ngay sau khi tạo phôi thì gọi là chuyển phôi tươi.

Trong trường hợp người vợ không đủ điều kiện sức khỏe để chuyển phôi tươi thì toàn bộ số phôi đạt chất lượng sẽ được trữ đông và người vợ sẽ được chuyển phôi trữ vào chu kỳ tiếp theo.

Trong thời điểm này, phôi có thể được thực hiện bước sàng lọc (PGTest) để chọn các phôi khỏe mạnh, đặc biệt là đối với các gia đình mang gen bệnh điều này rất quan trọng.

Bước 4: Chuyển phôi

Vợ chồng bạn sẽ được thông báo về số lượng, chất lượng phôi được tạo thành. Sau đó sẽ thống nhất với bác sĩ về số phôi chuyển vào buồng tử cung cũng như số phôi dư có thể đông lạnh.

Khi niêm mạc tử cung đủ độ dày cần thiết và chất lượng tốt, tạo thuận lợi cho sự làm tổ và phát triển của phôi khi đặt vào buồng tử cung, bác sĩ sẽ tiến hành chuyển phôi.

Sau chuyển phôi, người vợ nằm nghỉ khoảng 2-3giờ tại bệnh viện. 2 tuần sau chuyển phôi, người vợ tiếp tục sử dụng các loại thuốc nội tiết đồng thời nghỉ ngơi, sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Trong trường hợp chuyển phôi trữ, người vợ sẽ được siêu âm và dùng thuốc theo dõi niêm mạc từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh tiếp theo trong vòng từ 14-18 ngày. Sau đó, bác sĩ sẽ chọn thời điểm phù hợp để chuyển phôi trữ.

Hiện nay để tìm ra thời điểm chuyển phôi chính xác, bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm Genratest (xác định thời gian tối ưu cho chuyển phôi). Đặc biệt nên sử dụng với các trường hợp thất bại làm tổ không rõ nguyên nhân trước đó.

Bước 5: Thử thai

Hai tuần sau, người vợ sẽ thực hiện xét nghiệm βeta HCG để xác định kết quả thụ thai. Nếu nồng độ βeta HCG ở mức > 25 IU/l được xác định là có thai, nồng độ này cao hay thấp còn phụ thuộc vào mỗi người.

Nếu nồng độ βeta HCG tăng gấp rưỡi trở lên sau 2 ngày thì được xác định là thai đang phát triển và tiếp tục cho thuốc dưỡng thai đến ngày siêu âm để xác định túi thai và tim thai.

Nếu kết quả βeta sau 2 ngày không tăng hoặc giảm thì tiếp tục theo dõi. Trường hợp thai sinh hoá được xác định khi nồng độ βeta khi trở về âm tính (<5 IU/l).

Trong trường hợp chưa có thai nhưng còn phôi trữ, người vợ sẽ tiếp tục dùng phôi trữ để chuyển vào tử cung ở các chu kỳ tiếp theo mà không cần phải thực hiện lại các bước kích thích trứng, chọc hút trứng.

Thụ tinh trong ống nghiệm hết bao nhiêu thời gian?

Thông thường, một ca thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) sẽ mất khoảng thời gian tối thiểu là 1 tháng. Thời gian tối thiểu này được xác định như sau:

– Người vợ sẽ kiểm tra tổng quát về sức khỏe, thăm khám sàng lọc, siêu âm để chuẩn bị điều trị vào ngày thứ 2 hoặc 3 của chu kỳ kinh.

– Nếu không có các bệnh lý cần điều trị, bệnh nhân nữ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng trong vòng 10-12 ngày.

– Mất khoảng 34-36 giờ kể từ mũi tiêm kích rụng để tiến hành thủ thuật chọc trứng.

– Trứng và tinh trùng sẽ được thụ tinh và tạo phôi. Phôi được nuôi cấy trong thời gian 3 đến 5 ngày tuỳ theo phác đồ điều trị phù hợp với từng cặp đôi trước khi được chuyển vào tử cung của người phụ nữ.

– Khoảng 14 ngày sau chuyển phôi, bệnh nhân được yêu cầu xét nghiệm beta-hCG nhằm xác định tình trạng mang thai.

Như vậy, kể từ thời điểm bắt đầu tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm đến khi biết kết quả có thai tối thiểu là khoảng một tháng.

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân cũng có thể thành công ngay từ chu kỳ đầu tiên và lần chuyển phôi tươi đầu tiên.

Mỗi trường hợp sẽ có những yếu tố tác động khác nhau. Ví dụ như quá trình kích trứng chưa thể mang lại hiệu quả ngay trong lần đầu tiên, hay số phôi thu được không cho kết quả mong muốn, tình trạng niêm mạc tử cung của người mẹ chưa sẵn sàng tiếp nhận phôi tươi nên phải chuyển phôi trữ đông, hoặc khi chuyển phôi trữ thì mất nhiều lần mới thành công…

Ngoài ra, tình trạng bệnh lý của bệnh nhân cũng ảnh hưởng lớn đến thời gian điều trị hiếm muộn nói chung và quá trình thụ tinh trong ống nghiệm nói riêng.

Khi bệnh nhân nữ gặp khó khăn trong việc thụ thai tự nhiên do các bệnh lý như buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung, suy buồng trứng sớm… bệnh nhân cần thêm thời gian điều trị trước khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.

Tương tự, thời gian của quy trình điều trị cũng dài hơn nếu bệnh nhân nam được chỉ định vi phẫu lấy tinh trùng từ mào tinh do không có tinh trùng trong tinh dịch…

Như vậy, thời gian thụ tinh trong ống nghiệm là khác nhau đối với từng cặp đôi.

Điều quan trọng nhất khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đó là xác định được chính xác tình trạng của từng bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất.

Ưu – nhược điểm của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

Ưu điểm

– So với phương pháp hỗ trợ sinh sản khác như thụ tinh nhân tạo (IUI); phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho tỉ lệ thành công cao hơn.

– Ngoài ra, IVF mang đến niềm hy vọng làm cha mẹ cho các cặp đôi vô sinh không rõ nguyên nhân hoặc gặp những vấn đề nghiêm trọng ở cơ quan sinh sản.

– Thêm vào đó phương pháp ICSI (Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng) còn mang lại cơ hội có con cho nam giới vốn có ít tinh trùng hoặc tinh trùng kém chất lượng.

Nhược điểm

– Chi phí thưc hiện cao.

– Đòi hỏi bệnh nhân có nền tảng thể chất đáp ứng được các can thiệp y tế từ đơn giản như uống thuốc, tiêm thuốc tới phức tạp như gây mê, chọc trứng …

– Phải tuân theo chế độ dùng thuốc hỗ trợ sinh sản nghiêm ngặt.

Tỷ lệ thành công của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

Tỷ lệ thành công của IVF sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguyên nhân vô sinh, tuổi tác của người vợ, quá trình điều trị trước đó, chuyên môn của bác sĩ thực hiện và chất lượng của bệnh viện…

Hiện nay nhiều đơn vị tại Việt Nam đã công bố tỷ lệ thành công lên tới 60%. Tỷ lệ này ngày càng giảm nếu người vợ lớn tuổi. Nếu người vợ trên 35 tuổi thì tỷ lệ thành công giảm nhiều và sẽ càng thấp nếu người vợ trên 40 tuổi.

Chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

Hiện nay, chi phí làm thụ tinh ống nghiệm IVF tại các trung tâm, bệnh viện trên toàn quốc là khoảng 70-100 triệu đồng.

Mức chi phí này sẽ giao động này tuỳ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người vợ với những phác đồ điều trị khác nhau, chi phí cụ thể sẽ được tạm tính sau khi bác sĩ khám và đưa ra phác đồ điều trị.

BS. Phạm Hữu Cường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

098.535.5555