Với ICSI, chỉ cần một tinh trùng khỏe mạnh có thể thụ tinh với noãn để tạo thành phôi thai, nhờ vậy mà rất nhiều trường hợp vô sinh đã được điều trị thành công.
ICSI là viết tắt của từ Intra – cytoplasmic Sperm Injection, có nghĩa là tiêm tinh trùng trực tiếp vào noãn.
Kỹ thuật này bao gồm nhiều thao tác khá tinh vi khi phải tiêm trực tiếp 1 tinh trùng duy nhất vào 1 bào tương noãn để tạo phôi thai. Sau đó, phôi này được chuyển đến tử cung của người phụ nữ để phát triển hình thành thai nhi.
Nếu như kỹ thuật IVF cần kết hợp trứng với rất nhiều tinh trùng thì ICSI chỉ cần lựa chọn một tinh trùng khỏe mạnh nhất, di chuyển nhanh nhất để tiêm trực tiếp vào noãn trứng nên kỹ thuật này luôn mang đến hiệu quả thụ thai cao.
Do đó, dù đã ra đời hơn 2 thập kỷ nhưng điều trị vô sinh hiếm muộn bằng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) vẫn được xem là phương pháp mang tính đột phá trong điều trị vô sinh đặc biệt là vô sinh nam.
Ưu điểm của phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI)
Tỷ lệ thụ tinh thành công của ICSI thường cao hơn hoặc tương đương với kỹ thuật IVF bình thường. Ngoại trừ trường hợp dị dạng tinh trùng nặng, thì tinh trùng lấy trong tinh dịch, trong mào tinh hay trong tinh hoàn đều có tỉ lệ đậu thai gần tương đương.
Hay nói cách khác, tỉ lệ thành công của ICSI ít phụ thuộc hơn vào chất lượng và nguồn gốc tinh trùng. Dưới đây là những ưu điểm của kỹ thuật ICSI trong điều trị vô sinh, hiếm muộn:
Giúp điều trị vô sinh ở nam giới hiệu quả: ICSI là phương pháp hỗ trợ sinh sản tiên tiến giúp điều trị hiệu quả vô sinh ở nam giới. Kỹ thuật này giúp những nam giới ít tinh trùng, chất lượng tinh trùng kém… có cơ hội lớn hơn để làm bố.
Tăng cơ hội thụ tinh thành công: Nếu quy trình thụ tinh ống nghiệm trước đó không thành công do trục trặc ở quá trình thụ tinh, do trứng thì sử dụng kỹ thuật ICSI vào lần điều trị tiếp theo có thể giúp tăng cơ hội thụ thai thành công do bác sĩ sẽ giám sát chặt chẽ quá trình này trong phòng thí nghiệm.
Hiệu quả khi dùng trứng đông lạnh: ICSI thường được khuyến cáo sử dụng nếu dùng trứng đông lạnh để thụ tinh bởi các chuyên gia tin rằng kỹ thuật này sẽ giúp việc thụ tinh đạt hiệu quả hơn.
Các trường hợp chỉ định tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI)
ICSI được xem là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho các trường hợp vô sinh nam do những nguyên nhân khác nhau như:
– Bất thường về số lượng và chức năng tinh trùng: tinh trùng ít, tinh trùng di động kém, tinh trùng dị dạng nhiều.
– Không có tinh trùng trong tinh dịch, phải sử dụng tinh trùng lấy trực tiếp từ tinh hoàn hay mào tinh bằng phẫu thuật (bằng các kĩ thuật MESA/TESE).
– Thiếu hoặc tổn thương ống dẫn tinh (ống có nhiệm vụ đưa tinh dịch từ tinh hoàn xuống dương vật).
– Từng làm phẫu thuật thắt ống dẫn tinh.
Ngoài ra ICSI hiện nay là chỉ định thường quy cho các trường hợp như:
– Người vợ có trứng ít, chất lượng kém
– Bất thường thụ tinh: Tinh trùng của chồng và trứng của người vợ bình thường, nhưng không thụ tinh được hoặc tỉ lệ thụ tinh thấp hay nghi ngờ có bất thường về thụ tinh giữa trứng và tinh trùng.
– Vô sinh không rõ nguyên nhân.
– Thất bại khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển ở chu kỳ trước ngay cả khi phân tích tinh dịch đồ cho kết quả tốt.
Bác sĩ cũng có thể đề nghị phương pháp ICSI nếu dùng trứng được trữ đông từ chu trình IVF trước đó hoặc nếu bạn lựa chọn xét nghiệm di truyền của phôi thai trước khi đưa vào tử cung.
Quy trình tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI)
Bước 1: Tập hợp tinh trùng
Người chồng sẽ cung cấp mẫu tinh dịch. Bác sĩ có thể canh thời gian lấy tinh trùng gần với thời gian lấy trứng hoặc có thể thu thập tinh trùng trước và trữ đông đến khi trứng từ người vợ sẵn sàng để thụ tinh.
Vi phẫu (nếu cần): Khi mẫu tinh dịch có ít hoặc không có tinh trùng, hay người chồng không thể xuất tinh, bác sĩ có thể tiến hành vi phẫu để lấy tinh trùng từ tinh hoàn hoặc các ống dẫn tinh.
Lấy mẫu mô (nếu cần): Nếu vi phẫu thất bại, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô từ bên trong tinh hoàn – nơi có thể chứa tinh trùng. Hoặc khi không thấy tinh trùng, bác sĩ có thể đề nghị dùng tinh trùng được hiến tặng để thụ thai.
Bước 2: Tập hợp trứng
Người vợ sẽ được tiêm thuốc nhằm kích thích buồng trứng sản xuất ra nhiều trứng trưởng thành để thụ tinh. Bác sĩ tiến hành gây mê và đưa đầu dò siêu âm vào âm đạo để quan sát buồng trứng và tìm các nang trứng. Sau đó, một cây kim mảnh được đưa qua thành âm đạo để chọc hút trứng từ các nang, thường lấy từ 8 – 15 trứng.
Bước 3: Thụ tinh
Bác sĩ tiêm từng tinh trùng trực tiếp vào mỗi trứng. Ba ngày sau, trứng được thụ tinh thành công và trở thành phôi thai.
Bước 4: Chuyển phôi
Tùy thuộc vào tuổi tác của người vợ và những yếu tố khác, bác sĩ sẽ đưa 1 – 5 phôi thai vào tử cung bằng cách luồn một catheter mảnh qua cổ tử cung. Số lượng phôi đưa vào sẽ được bác sĩ trao đổi thống nhất cùng gia đình.
Bước 5: Nuôi dưỡng phôi thai
Nếu thành công, phôi thai sẽ làm tổ ở thành tử cung và phát triển thành thai nhi. Các phôi thai còn dư chưa chuyển có thể được trữ đông để dùng ở các chu trình thụ tinh ống nghiệm trong tương lai. Nếu chuyển vào nhiều hơn 1 phôi thai, cơ hội đậu thai sẽ cao hơn nhưng thai phụ có nguy cơ mang đa thai.
Bước 6: Thử thai
Người vợ có thể thử thai 2 tuần sau khi phôi thai được đặt vào tử cung.
Thời gian để hoàn thành một chu trình thụ tinh ống nghiệm với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) là 4-6 tuần. Để thực hiện kỹ thuật này 2 vợ chồng phải chờ cho buồng trứng đáp ứng với thuốc và để trứng trưởng thành. Trong thời gian đó, 2-3 ngày người vợ phải đi khám một lần để kiểm tra máu và siêu âm.
Vào ngày lấy trứng, cả vợ và chồng cần dành thời gian ở bệnh viện để thu thập trứng và tinh trùng. Khoảng 3 – 5 ngày sau đó, người vợ sẽ tới bệnh viện để chuyển phôi vào tử cung (nếu chuyển phôi tươi) và sau 2 tuần, có thể thử thai.
Tỷ lệ thành công của phương pháp ICSI
Tỷ lệ đậu thai và tỷ lệ sinh của phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) bằng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) cũng tương tự IVF cổ điển.
Theo số liệu thống kê ở Mỹ, tỉ lệ phần trăm chu trình IVF cho kết quả sinh được ít nhất một em bé là khoảng:
– 40% ở những phụ nữ dưới 34 tuổi.
– 31% ở những phụ nữ trong độ tuổi từ 35 – 37.
– 21% ở những phụ nữ trong độ tuổi từ 38 – 40.
– 11% ở những phụ nữ trong độ tuổi từ 41 – 42.
– 5% ở những phụ nữ trên 42 tuổi.
Tỷ lệ thành công này cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: tuổi của cha mẹ, sức khỏe… các cặp vợ chồng hiếm muộn nên đi khám sớm để được kiểm tra và tư vấn từ bác sĩ.
BS. Phạm Hữu Cường