Trong các nguyên nhân dẫn đến vô sinh (cả nguyên phát và thứ phát) và thất bại làm tổ nhiều lần, ngoài bất thường về mặt di truyền, giải phẫu tử cung và vòi tử cung, thì nguyên nhân do rối loạn miễn dịch đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, việc phát hiện các vấn đề liên quan đến miễn dịch là thực sự cần thiết, góp phần tăng tỷ lệ thành công trong điều trị hiếm muộn.
1. Ai cần được làm xét nghiệm này?
Xét nghiệm này cần được thực hiện ở những phụ nữ có các dấu hiệu và triệu chứng sau:
– Được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung hoặc có các triệu chứng nghi ngờ lạc nội mạc tử cung như: đau bụng kinh, ra máu kinh nhiều, đau bụng khi rụng trứng hoặc đau khi giao hợp. Trong những trường hợp này, chẩn đoán xác định lạc nội mạc tử cung qua nội soi thăm dò ổ bụng là cần thiết.
– Mắc bệnh hoặc có người nhà mắc bệnh tự miễn như cường giáp, thiểu năng giáp (người có tăng hoặc giảm nồng độ TSH trong xét nghiệm máu), Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm da cơ địa, hoặc u mỡ,…
– Vô sinh không rõ nguyên nhân
– Sảy thai nhiều lần
– Có tiền sử sảy thai làm xét nghiệm tổ chức thai bình thường
– Thất bại IVF nhiều lần không rõ nguyên nhân
– Thai chậm phát triển trong buồng tử cung không rõ nguyên nhân hoặc sảy thai muộn nhưng xét nghiệm bộ NST của thai bình thường
2. Cần phải làm những xét nghiệm gì?
– Thất bại làm tổ do các yếu tố tự miễn: thường gây thai sinh hoá, sảy thai trước khi phụ nữ biết mình có thai. Có một số trường hợp gây sảy thai, thai chết lưu muộn hơn. Xét nghiệm cần làm là:
+ IgA, IgG, IgM liên quan đến kháng thể kháng phospholipid
+ Kháng thể kháng giáp trạng, kháng thể kháng nhân
+ Tìm bằng chứng hoạt động của tế bào diệt tự nhiên hoạt động (NKa) thông qua xét nghiệm tế bào đích K-562 và/hoặc định lượng cytokine niêm mạc tử cung.
– Thất bại làm tổ do kháng nguyên cùng loài: thường xuất hiện ở phụ nữ bị sảy thai liên tiếp hoặc vô sinh thứ phát không rõ nguyên nhân. Rối loạn kháng nguyên cùng loài được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu cả ở nam và nữ để tìm sự “ghép cặp” gene DQ alpha và NK/CTL hoạt động. Cần phải lưu ý rằng: ghép gặp DQ alpha một phần hoặc toàn phần chỉ gây nên thất bại làm tổ nếu nó được phát hiện cùng với sự hoạt động của NK/CTL.
3. Kết quả được đánh giá như thế nào?
Xét nghiệm quan trọng nhất để chẩn đoán thất bại làm tổ do rối loạn miễn dịch là tìm bằng chứng hoạt động của tế bào diệt tự nhiên (NKa). Trong trường hợp này, sai lầm phổ biến nhất và nguy hiểm nhất là đánh giá dương tính dựa vào nồng độ NK trong máu tăng bất thường. Điều này là hoàn toàn không đúng khi mà số lượng tế bào diệt tự nhiên (NK) không quan trọng bằng số lượng tế bào diệt tự nhiên bị kích hoạt (NKa). Trong phần lớn trường hợp, tỷ lệ phần trăm tế bào đích K-562 lớn hơn 10% là nghi ngờ và lớn hơn 12% là bất thường về nồng độ tế bào NKa. Lúc này, việc điều trị tế bào NKa bằng truyền tĩnh mạch Intralipid (IL)/ globulin miễn dịch (G IVIG) và kháng viêm steroid là thực sự cần thiết.
Tuy nhiên, nhận thức về hiệu quả tức thì của IL/G IVIG và kháng viêm steroid trong ức chế hoạt động của tế bào diệt tự nhiên hoạt động (NKa) đang được hiểu sai. Trên thực tế, NKa không bị ức chế khi được thêm Lipid hoặc globulin miễn dịch và steroid trong phòng thí nghiệm. Điều này nói lên rằng, NKa chỉ bị ức chế hoạt động khi IL hoặc IVIG và steroid được dùng trước đấy để ức chế tế bào NKa nguồn. Một khi tế bào diệt tự nhiên đã được kích hoạt (đặc biệt khi tế bào NK phơi nhiễm với progesterone) thì hiệu quả của IL/IVIG và steroid là rất thấp. Vì vậy, việc điều trị IL/IVIG và steroid phải được tiến hành trước khi chuyển phôi khoảng 10-14 ngày để đủ thời gian ức chế tế bào NK nguồn và được nhắc lại 14 ngày sau chuyển phôi để đảm bảo kết quả điều trị.
Cả IL và IVIG đều không có khả năng ức chế hoạt động của NK một khi nó đã được kích hoạt thành NKa (tế bào diệt tự nhiên hoạt động- tế bào diệt tự nhiên chức năng). Và để tăng hiệu quả điều trị, IL hoặc IVIG nên được kết hợp cùng với kháng viêm steroid như dexamethasone, prednisone, hoặc prednisolone để ngoài ức chế hoạt động của NKa còn ức chế hoạt động của tế bào lympho T gây viêm tế bào ở niêm mạc tử cung.
Tác giả: Bs Phạm Hữu Cường